Phát triển chính trị Đảng_Hành_động_Nhân_dân

Các ủng hộ viên của Đảng Hành động Nhân dân trong tổng tuyển cử 2011

Ngày 21 tháng 11 năm 1954, một luật sư trung lưu tên Lý Quang Diệu thành lập Đảng Hành động Nhân dân, ông trở về Singapore sau khi theo học tại Anh Quốc. Ông có tầm nhìn về độc lập hoàn toàn cho Singapore, và liên hiệp với Lâm Thanh TườngPhương Thủy Song dù giữa họ có khác biệt về ý thức hệ.

Trong tháng 4 năm 1955, Lâm Thanh Tường được bầu làm nghị viên của khu vực bầu cử Bukit Timah. Khi đó ông 22 tuổi, là nghị viên trẻ nhất từng được bầu. Năm sau, Lâm Thanh Tường và Lý Quang Diệu đại diện cho Đảng Hành động Nhân dân trong Đàm phán Hiến pháp Luân Đôn, đàm phán kết thúc trong thất bại: Anh Quốc khước từ trao quyền tự trị nội bộ cho Singapore. Ngày 7 tháng 6 năm 1956, David Marshall do thất vọng với đàm phán hiến pháp nên từ chức thủ hiến (Chief Minister), người thay thế là Lâm Hữu Phúc.[4]

Lý Quang Diệu cuối cùng cáo buộc Lâm Thanh Tường và các ủng hộ viên của ông ta là phần tử cộng sản, song các tài liệu của chính phủ Anh được giải mật sau này cho thấy rằng không có bằng chứng nào về việc Lâm Thành Tường là một phần tử cộng sản.[5] Lý Quang Diệu cho giam cầm Lâm Thanh Tường trong nhiều năm và không xét xử, khiến nhân vật này không thể cạnh tranh với Lý Quang Diệu với vị thế là lãnh đạo của đảng đối lập ly khai Trận tuyến Xã hội chủ nghĩa (Barisan Sosialis).

Đảng Hành động Nhân dân lần đầu tranh cử trong tổng tuyển cử năm 1955, có 25 trong tổng số 32 ghế của hội đồng lập pháp là dành cho bầu cử. Đảng Hành động Nhân dân giành được ba ghế, một ghế là của thủ lĩnh Lý Quang Diệu, một ghế cho Lâm Thanh Tường, Mặt trận Lao động của David Saul Marshall giành chiến thắng trong tổng tuyển cử.

David Marshall là người lớn tiếng chống Anh và chống thực dân, và người Anh thấy khó mà đạt một thỏa thuận hoặc thỏa hiệp với ông. Cuối cùng, sau khi không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cho một kế hoạch rõ ràng về tự quản, ông từ chức vào năm 1956. Một thành viên khác của Mặt trận Lao động là Lâm Hữu Phúc lên nắm quyền, ông theo đuổi một chiến dịch chống cộng quy mô lớn và tìm cách thuyết phục người Anh đưa ra một kế hoạch rõ ràng về chế độ tự quản. Hiến pháp Singapore được sửa đổi vào năm 1958, thay thế Hiến pháp Rendel với một nội dung trong đó là cấp cho Singapore quyền tự quản và dân chúng có thẩm quyền bầu toàn bộ Hội đồng lập pháp của mình.

Sau thất bại ban đầu này, Đảng hành động Nhân dân quyết định tái khẳng định các quan hệ với phái lao động của Singapore bằng việc hứa phóng thích các thành viên bị giam cầm của Đảng và đồng thời khiến họ phải ký vào một văn kiện ghi rằng họ ủng hộ Lý Quang Diệu và Đảng Hành động Nhân dân, hy vọng rằng nó có thể thu hút phiếu của những người lao động gốc Hoa. Theo Trần Nhân Quý (Tan Jing Quee) trong sách "Comet in our Sky", Lý Quang Diệu dối trá vào thời gian này: trong khi giả bộ đứng bên các thành viên lao động bị giam cầm của Đảng Hành động Nhân dân, ông bí mật thông đồng với người Anh nhằm ngăn chặn Lâm Thanh Tường và các ủng hộ viên lao động đoạt được quyền lực. Trần Nhân Quý cũng nói rằng Lâm Hữu Phúc chủ tâm kích động các sinh viên nổi loạn và sau đó các thủ lĩnh lao động bị bắt giữ. "Lý Quang Diệu bí mật nhập bọn với Lâm Hữu Phúc" – theo lời Tiến sĩ Greg Poulgrain của Đại học Griffiths "nhằm thuyết phục Bộ trưởng Thuộc địa áp đặt lệnh cấm hủy diệt nhằm bất hợp pháp hóa việc các cựu tù chính trị tranh cử."[5]

Kết quả là Đảng Hành động Nhân dân dưới quyền Lý Quang Diệu thắng cử trong tổng tuyển cử năm 1959, và nắm quyền kể từ đó. Tổng tuyển cử năm 1959 cũng là cuộc bầu cử đầu tiên sản sinh một nghị viện hoàn toàn dân cử và một nội các thi hành đầy đủ quyền tự quản nội bộ. Đảng Hành động Nhân dân giành được đa số ghế trong mọi kỳ tổng tuyển cử kể từ đó.

Sau khi giành độc lập từ Anh, Singapore gia nhập liên bang Malaysia vào cuối năm 1963. Mặc dù Đảng Hành động Nhân dân là đảng cầm quyền tại Singapore, song họ hoạt động như một đảng đối lập tại cấp liên bang trên chính trường Malaysia. Đương thời, chính phủ liên bang tại Kuala Lumpur nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) đứng đầu, Tuy nhiên, viễn cảnh Đảng Hành động Nhân dân có thể cai trị Malaysia khiến UMNO bị kích động. Quyết định của Đảng Hành động Nhân dân về việc tranh cử ghế quốc hội ngoài Singapore, và quyết định của UMNO về việc tranh cử tại Singapore, vi phạm một thỏa thuận bất thành văn giữa hai bên, làm trầm trọng quan hệ giữa hai đảng. Xung đột cá nhân giữa Lý Quang Diệu với Thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman dẫn đến một cuộc khủng hoảng và khiến Rahman buộc Singapore rời khỏi Malaysia trong tháng 8 năm 1965. Sau khi độc lập, Đảng Hành động Nhân dân ngưng các hoạt động bên ngoài Singapore, bỏ rơi phong trào đối lập non trẻ mới bắt đầu tại Malaysia.

Đảng Hành động Nhân dân chiếm đa số áp đảo về số ghế tại Quốc hội Singapore từ năm 1966, khi Trận tuyến Xã hội chủ nghĩa đối lập, một nhóm cánh tả tách từ Đảng Hành động Nhân dân vào năm 1961, từ bỏ Quốc hội sau khi giành 13 ghế trong tổng tuyển cử năm 1963- diễn ra vài tháng sau khi một số thủ lĩnh của họ bị bắt giam trong Chiến dịch Coldstore dựa trên việc bị cáo buộc là cộng sản.[5] Trong tổng tuyển cử 1968, 1972, 1976, 1980, Đảng Hành động Nhân dân giành toàn bộ số ghế trong một quốc hội được mở rộng. Mặc dù các đảng đối lập trở lại Quốc hội vào năm 1984, song Đảng Hành động Nhân dân vẫn cai trị Singapore như một quốc gia độc đảng trên thực tế. Các đảng đối lập không giành nhiều hơn 4 ghế trong quốc hội từ năm 1984 cho đến năm 2011 khi Đảng Công nhân giành được 6 ghế thường và 1 ghế tập tuyển khu.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đảng_Hành_động_Nhân_dân http://www.asiaone.com/News/AsiaOne+News/Singapore... http://www.economist.com/node/17419873 http://www.singapore-window.org/80404st1.htm http://journalism.sg/2010/04/29/un-racism-rapporte... http://infopedia.nl.sg/articles/SIP_1462_2009-02-1... http://www.pap.org.sg/ http://www.pap.org.sg/abt_leadership_hqexe.shtml http://www.wp.org.sg/news/news_articles/pap_social... https://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut... https://www.idref.fr/03367812X